Lý Khắc Nhu – Người họa sĩ già “tham lam”

help me with my homeworkHọa sĩ Lý Khắc Nhu vốn nổi danh trong làng tranh thủy mặc của Sài Gòn. Nhưng khi đến thăm ngôi nhà ven sông của ông, ai cũng phải tấm tắc khen ngợi người họa sĩ đa tài.

Họa sĩ Lý Khắc Nhu là người Việt gốc hoa. Ông vốn nổi danh trong làng tranh thủy mặc của Sài Gòn và từng đạt được nhiều bằng khen và giải thưởng lớn nhỏ trong nước.

Đến thăm ngôi nhà êm đềm bên sông Sài Gòn của ông mới thực sự ngạc nhiên khi biết ông là người họa sĩ rất đa tài. Không riêng gì tranh thủy mặc, ông còn học hỏi và tìm tòi thêm nhiều loại tranh khác như: tranh gốm, tranh điêu khắc, tranh sơn mài…

Nhẩm tính trong ngôi nhà của ông, có đến hơn 1.000 tác phẩm.

Ông cho biết, hầu hết các tác phẩm này đều do ông thực hiện. Và không phải họa sĩ nào cũng “tham lam” như ông.

Thông thường, mỗi người họa sĩ chỉ giữ riêng cho mình cái hồn vào một môn nghệ thuật nhất định. Thế nhưng đối với Lý Khắc Nhu, ông lại cho mình thỏa sức sáng tạo và tìm hiểu nhiều loại hình khác.

Ông chỉ tay vào những bức tranh sơn mài. Đó là cả một công trình của sự học hỏi, sáng tạo và kiên trì.

Để hoàn thành nên mỗi tác phẩm, người họa sĩ phải bỏ ra rất nhiều thời gian. Có tác phẩm khoảng 2-3 tháng nhưng cũng có vài tác phẩm phải mất đến vài năm.

Làm tranh trên gốm không giống làm tranh ở những chất liệu trên giấy hay gỗ. Màu sắc bức tranh phụ thuộc vào nhiệt độ nung. Và có lẽ tự hào nhất là tranh gốm có màu tím. Một màu khó lên, và rất khó đúng ý của tác giả.

Ngoài ra, còn nhiều tượng gỗ, lọ hoa, tượng đất cũng do ông tạo hình và sáng tác.

Khi hỏi ông hài lòng nhất tác phẩm nào nhất, ông trả lời vỏn vẹn: “Không có cái nào cả”. Vì với ông, nghệ thuật thì không có giới hạn và điểm dừng.

Một bức tranh là một chuỗi cảm xúc. Hoàn thành xong tác phẩm, người nghệ sĩ sẽ tìm ra chuỗi cảm xúc khác mới mẻ hơn. Còn nếu chỉ dừng lại, hài lòng ở một tác phẩm nào đó thì sẽ không còn tạo ra được cái hay, cái mới mẻ.

Ở cái tuổi xế chiều, hướng nhìn ra hoàng hôn, người họa sĩ tài hoa vẫn cứ tâm niệm, thời gian còn lại của cuộc đời vẫn để dành cho nghiên cứu và tìm tòi thêm nhiều loại tranh khác nhau. Nói rồi, mắt ông đăm chiêu, bàn tay tỉ mỉ miết từng đường nét của bức tranh sơn mài đang dang dở.

Kim Huyên – Thu Hiền
www.baomoi.com